Giới thiệu chung

DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG XÃ MINH PHÚ, HUYỆN SÓC SƠN, HÀ NỘI
Ngày đăng 23/11/2024 | 02:08  | Lượt truy cập: 347

Xã Minh Phú là xã nằm ở phía Tây của huyện Sóc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 10 km; Phía Bắc giáp với xã Nam Sơn; phía Đông và Đông Nam giáp với xã Hiền Ninh; phía Tây Nam giáp với xã Tân Dân; phía Tây và Tây Bắc giáp với xã Minh Trí. Trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua như: tuyến đường 35 nối từ quốc lộ 2 đi Thái Nguyên; tuyến đường từ đường 35 đi thị trấn Xuân Hoà - tỉnh Vĩnh Phúc; tuyến đường Đông Tây từ đường 131; khu công nghiệp Nội Bài đi Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, mở rộng giao lưu, trao đổi hàng hóa. Xã Minh Phú có tổng diện tích đất tự nhiên 1.892,07 ha; Toàn xã có 3.785 hộ gia đình với 14.678 nhân khẩu, gồm 8 thôn: Thanh Trí, Thanh Sơn, Phú Hạ, Phú Ninh, Phú Hữu, Phú Thịnh, Minh Phú, Lâm Trường.

Xã Minh Phú là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời. Trải qua quá trình khai phá thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống, người dân Minh Phú đã sớm hình thành nên những truyền thống tốt đẹp, đó là cần cù, sang tạo trong lao động; kiên cường trong chinh phục thiên nhiên và bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhân dân xã Minh Phú đã cùng với nhân dân huyện Sóc Sơn và cả nước vùng lên đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, nhân dân Minh Phú đã kiên cường cùng quân dân cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi vĩ đại, mang lại nền độc lập, tự do dân tộc Việt Nam.

Về tín ngưỡng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Nhân dân xã Minh Phú có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên đặt nơi trang trọng trong ngôi nhà. Một số dòng họ trong xã còn lập nhà thờ tổ - nhà từ đường. Đây không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà nó còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Bên cạnh đó, ở Minh Phú còn có tục thờ các vị Thánh, Thành hoàng làng, thổ thần, thờ mẫu, thờ Phật. Hằng năm, Nhân dân trong xã đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của các vị Thánh, Thành hoàng làng, mẫu…Về tôn giáo, trên địa bàn xã tồn tại một tôn giáo đó là đạo Phật; Thực hiện chủ trương về xây dựng văn hóa mới và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng, Đảng bộ và Chính quyền xã Minh Phú luôn tạo sự đoàn kết đồng thuận trong Nhân dân.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cán bộ và nhân dân xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã góp phần viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những trang sử vẻ vang đó còn đọng lại bằng cả một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, giữ gìn cho tới ngày nay. Cùng với sự phát triển về kinh tế, và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở Thủ đô Hà Nội đã luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt, Sóc Sơn là một trong những huyện có khá nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Với sự hình thành và phát triển của làng xã, hàng ngàn năm qua các thế hệ con người Minh Phú đã xây dựng nên nhỉều truyền thống văn hóa tốt đẹp

Minh Phú là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, cha ông xưa đã để lại cho Minh Phú nhiều công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc như đình, chùa, miếu... Mỗi điểm di tích trong xã đều có lịch sử hình thành gắn liền với chặng đường phát triển của quê hương. Trên địa bàn xã hiện có 4 ngôi đình

gồm: đình Phú Thịnh, đình Phú Ninh, đình Thanh Trí, đình Phú Hạ; 08 ngôi chùa gồm: chùa Phú Thịnh, chùa Phú Nghĩa,  Chùa Phú Hữu, chùa Phú Ninh, chùa Thanh Trí, chùa Phú Hạ, chùa Thanh Sơn, chùa Phúc Lâm; 04 ngôi đền gồm: đền cây xanh, đền Dõng nhãn, đền Phú Hạ, đền Thanh Sơn; 01 ngôi miếu: Miếu xóm đường thôn Phú Hữu; 01 điếm tổng thôn Thanh Trí.

Đặc biệt đến với Minh Phú, du khách không thể không ghé thăm di tích lịch sử, văn hóa Đình Thanh Trí, thôn Thanh Trí. Đây là một trong những di tích của xã Minh Phú được công nhận là di tích Lịch sử Nghệ thuật cấp thành phố năm 2007.

Tự hào về quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Minh Phú tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các di tích. Đồng thời, vận động Nhân dân tham gia gìn giữ di tích bằng những việc làm thiết thực như: Bảo vệ và góp công, góp của chỉnh trang khuôn viên; làm vệ sinh môi trường xung quanh di tích; vào các ngày cuối tuần, đầu tháng, ngày rằm, dịp lễ hội, nhân dân thành kính thắp hương tại đây... Bên cạnh đó, xã Minh Phú chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác giáo dục giá trị di tích nhằm khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức lễ hội gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào dịp đầu năm... để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà được bình an, hạnh phúc.

 Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Minh Phú còn có các cây di sản như: 01 cây táo ta - thôn Phú Thịnh; 03 cây Đa lông -  thôn Phú Thịnh; 01 cây Đa tía - thôn Phú Thịnh; 01 cây Nhãn rừng, thôn Thanh Trí; 01 cây bồ kết – thôn Thanh Trí; 01 cây Đa - thôn Thanh Trí. Cây di sản không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hoá mà còn là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

Cây Di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Việc gìn giữ, phát huy giá trị những cây này không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ, mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử, giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy, thời gian qua, xã Minh Phú đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc Cây Di sản và xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp.  

Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã, những năm qua, Cán bộ và nhân dân xã Minh Phú luôn quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương. Đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, cùng nhau chung sức gìn giữ và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC ĐIỂM DI TÍCH, LỄ HỘI, CÂY DI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MINH PHÚ

Đình Thanh Trí, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú  ( Di tích được công nhận là di tích Lịch sử Nghệ thuật cấp thành phố năm 2007)

Đình, chùa Thanh Trí, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Chùa Thanh Trí, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Đền Cây Xanh, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Đền Dõng nhãn, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Quán Ngói, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Điếm Tổng - thôn Thanh trí - xã Minh Phú

Chùa Phú Cường, thôn Phú Cường, xã Minh Phú

Chùa Phú Hữu, thôn Phú Hữu, xã Minh Phú

Miếu Xóm Đường, thôn Phú Hữu, xã Minh Phú

Đình Phú Ninh, thôn Phú Ninh, xã Minh Phú

Chùa Phú Ninh, thôn Phú Ninh, xã Minh Phú

Chùa Phúc Lâm, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú

Chùa Thanh Sơn, thôn Thanh Sơn,  xã Minh Phú

Đền Thanh Sơn, thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú

Đền Phú Hạ, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú

Chùa Phú Hạ, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú

Đình Phú Hạ, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú

Đình Phú Thịnh, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú

Chùa Phú Thịnh, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú

Chùa Phú Nghĩa, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú

Lễ hội Đình Thanh Trí, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Lễ hội Đền Xây Xanh, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú

Cây Di sản Việt Nam  (Cây Đa Tía, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú)

Cây Di sản Việt Nam ( Cây Táo ta, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú)

Cây Di sản Việt Nam ( Cây Đa Lông - Nhà văn hoá thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú)

Cây Di sản Việt Nam ( Cây Đa Lông - Đình, Chùa thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú)

Cây Di sản Việt Nam (Cây Đa Lông - Đình chùa thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú)

Cây Di sản Việt Nam ( Cây Bồ Kết - thôn Thanh Trí, xã Minh Phú)